Nếu như bạn là một người hướng nội, sống nội tâm – Introvert thì bạn sẽ hiểu rằng điều khó khăn nhất đó là không thể kéo dài những cuộc trò chuyện với người khác. Bởi vì bạn không biết phải nói về chủ đề gì cả. Đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với nghề làm Sales, Marketing hay là làm kinh doanh nói chung. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với bạn cách làm thế nào để nói chuyện với bất kỳ ai mà không bao giờ phải lo, không có chủ đề gì để giao tiếp.
Bạn nghĩ rằng người hướng nội là người luôn thu mình không bao giờ cất tiếng nói nơi công cộng, điều đó không phải hoàn toàn đúng, thực tế thì một định nghĩa đơn giản nhất về người sống hướng nội là họ ngại phải nói chuyện phiếm – Small talk với người lạ.
Bạn hãy nhớ lấy quy tắc F.O.R.D hay là để bạn dễ nhớ thì quy tắc này được viết giống như tên của một hãng xe hơi Mỹ rất quen thuộc – Ford. Quy tắc này là viết tắt của 4 từ Family – gia đình, Occupation – công việc, Recreation – giải trí và Dreams – mơ ước.
Đây chính là 4 nội dung bạn có thể tập trung vào để khai thác trong khi giao tiếp nói chuyện phiếm với người khác. Đồng thời, những chủ đề này cũng sẽ giúp cho bạn xây dựng được một sự kết nối, một mối quan hệ tốt hơn với đối phương của mình. Bạn không muốn nói chuyện linh tinh trên trời dưới biển và khiến cho người khác nghĩ rằng bạn không phải là một người sâu sắc.
Thứ Nhất, Family – Gia Đình.
Đây là chủ đề dễ dàng nói thứ nhất, bởi vì gia đình là chủ đề chung của tất cả mọi người. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng khi chúng ta trao đổi thông tin về gia đình với một người lạ thì ngay lập tức chúng ta sẽ tạo được mối quan hệ gần hơn với đối phương, rút ngắn khoảng cách với họ.
Bởi vì chúng ta thường chỉ chia sẻ thông tin về người thân của mình với những người mà chúng ta tin tưởng. Chắc chắn nhiều bạn sẽ hỏi làm thế nào để có thể nói về chủ đề này với người lạ ngay trong lần gặp mặt đầu tiên?
Bạn cần phải có một sự chuyển đổi nhịp nhàng để có thể trao đổi về vấn đề này. Đối với người lạ và cách thức ở đây, đó là hãy dựa vào một hoàn cảnh nào đó đang xảy ra đề cập tới gia đình của mình trước và đặt câu hỏi cho đối phương.
Ví dụ: Bạn đi tới một buổi tiệc sinh nhật, bạn thấy có một cô gái rất là xinh xắn và tới bắt chuyện với cô gái đó. Bạn nhớ đã xem bài viết này hướng dẫn rằng phải nói về chủ đề gia đình để làm tăng thêm sự tin tưởng và nâng cao mối quan hệ.
Bạn hãy làm thế này: Bữa tiệc hôm nay thật là vui, nó làm anh nhớ đến người em trai của anh năm nay 19 tuổi, đang đi học xa nhà, ngày bé thì ba mẹ thường hay tổ chức tiệc sinh nhật cho nó cũng đông vui như thế này. Lâu rồi anh không gặp em trai của mình, em thế nào? Em có anh, chị em gì hay không?
Đó là cách bạn khiến cho đối phương cảm thấy sẵn sàng, chia sẻ với bạn về vấn đề gia đình của họ mà không cảm thấy đột ngột. Hãy nhớ luôn lắng nghe sự chia sẻ của đối phương, đặt ra những câu hỏi quan tâm tới họ, hãy dồn sự tập trung vào người ấy.
Thứ 2, Occupation – Công Việc.
Đây là chủ đề phổ biến nhất trong giao tiếp xã giao. Bởi tất cả chúng ta đều dành trung bình 45% cuộc đời của mình cho công việc. Có lẽ bạn đã quen với những câu hỏi như: Em đang làm nghề gì hay là lĩnh vực kinh doanh của công ty anh là gì?
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dừng lại đó thì chỉ là bề nổi của chủ đề này, ai cũng có thể hỏi những câu hỏi này và sau đó thì cuộc trò chuyện sẽ đi vào ngõ cụt. Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải biết cách để đi sâu hơn vào chủ đề giao tiếp để tạo ra sự kết nối sâu hơn với đối phương của mình.
Ví dụ: Nếu như bạn đi tới một buổi hội thảo, một buổi Networking event, bạn bắt chuyện với một người lạ và bắt đầu cuộc hội thoại với một câu hỏi công việc.
Bạn: Công việc hiện nay của chị là gì ạ
Người lạ: Mình đang làm chuyên viên marketing cho một hãng thời trang ở Sài Gòn.
Bạn: Wow, chị biết không?
Ngay từ bé, tôi đã luôn mơ ước mình có thể làm công việc liên quan đến marketing. Nó đòi hỏi một sự sáng tạo và niềm đam mê với những ý tưởng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang nữa
Cách nói này, bạn đã đưa vào một vài lời nhận xét tích cực của mình về vấn đề của đối phương, làm họ cảm thấy tự tin, tự hào về công việc mà họ đang làm. Cách thức phù hợp để giải quyết trong trường hợp này đó là sau mỗi một câu trả lời của đối phương, hãy nói ra một lời nhận xét tích cực về câu trả lời của họ.
Một khi 2 bên đã cảm thấy có sự hòa hợp thì cuộc nói chuyện sẽ trở nên cởi mở và không rơi vào tình thế: Một bên hỏi một bên chỉ trả lời giống như là điều tra phỏng vấn nữa.
Chủ Đề Thứ 3, Recreation – Giải Trí.
Tất cả chúng ta ai cũng có một thú vui, sở thích hay là một niềm đam mê nào đó. Cũng giống như là khi nói về chủ đề công việc, bạn cũng cần phải biết bắt đầu với một câu hỏi để khơi gợi về chủ đề này và sau đó đưa ra những lời nhận xét tích cực về câu trả lời của đối phương. Có một điều khiến rất nhiều người nghĩ rằng nói chuyện về chủ đề giải trí này sẽ khó hơn, bởi vì không phải lúc nào bạn cũng biết về sở thích của đối phương.
Ví dụ: Bạn không biết gì về Tennis trong khi đối phương lại thích chơi Tennis. Tuy nhiên, đó thực ra lại không phải là điểm bất lợi mà thực tế đó là cơ hội để bạn chiếm được cảm tình của đối phương bằng cách hỏi, ại sao họ lại có sở thích đó? và bạn cũng muốn tìm hiểu về nó và lắng nghe sự chia sẻ của họ.
Khi đó, bạn sẽ vừa có thêm chủ đề giao tiếp để nói chuyện lại, vừa tạo được sự kết nối sâu hơn với người mà bạn đang giao tiếp.
Thứ Tư, Dreams – Mơ Ước.
Đây là chủ đề có tác động lớn nhất tới việc xây dựng một mối quan hệ tốt. Bởi lẽ tất cả mọi người đều có những ước mơ của riêng mình nhưng không phải ai họ cũng chia sẻ, hoặc là chỉ dừng lại ở mức độ một mơ ước, bởi vì chưa có cơ hội hoặc chưa nhận được sự ủng hộ của những người xung quanh.
Chính vì thế, nếu như trong các cuộc trao đổi đó, bạn cho thấy rằng mình là người ủng hộ đối phương theo đuổi ước mơ của họ. Đó là cách để bạn xây dựng được một mối quan hệ lên cao nhất và nhanh nhất.
Tuy nhiên, đây là chủ đề giao tiếp khó có thể đưa ra nhất trong cuộc trao đổi, bởi vì đó là vấn đề cá nhân của mỗi người. Chủ đề dream mơ ước nên được nói đến sau cùng. Và khi bạn đã nhận được câu trả lời chân thành từ phía đối phương thì đó là lúc họ thực sự tin tưởng vào bạn. Qua cuộc nói chuyện đó có 2 cách để khơi gợi để chủ đề này:
Cách thứ nhất, hãy dùng thông tin bạn thu thập được trước đó để nói về ước mơ của họ.
Ví dụ: Khi nói về sở thích đối phương nói rằng: Tôi thích chụp ảnh thiên nhiên, lúc này bạn có thể nói đó là một sở thích rất hay. Đã bao giờ em nghĩ tới việc trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể đi khắp nơi, chụp lại những khung cảnh đẹp nhất của tự nhiên hay chưa?
Cách thứ hai, đây là cách bạn đưa ra lời nhận xét về tương lai hoặc là một bức tranh lớn hơn để khơi gợi về mơ ước.
Ví dụ: Bạn với người đó đang ngồi uống cà phê trên phố cổ nhìn ra đường. Bạn có thể nói: Nhìn những dòng người đang di chuyển vội vã vì cuộc sống thế kia, anh cảm thấy có lẽ đôi khi chúng ta đang bị cái sự bộn bề của công việc làm quên đi, rằng còn nhiều thứ ý nghĩa hơn. Em đã bao giờ nghĩ rằng mình muốn đạt được điều gì đó lớn lao hơn hay chưa?
Rất nhiều bạn sẽ nghĩ rằng cách tiếp cận này quá văn vẻ, nhưng thực sự thì nó lại rất hiệu quả. Nó tạo ra một tâm trạng tốt, một môi trường, một không gian tốt để đối phương sẵn sàng chia sẻ với ước mơ của mình.
—-
Hãy xem thêm các bài viết khác về Kỹ năng bán hàng và Marketing TẠI ĐÂY
Bạn có thể theo dõi các Video về các nội dung này tại YOUTUBE và FACEBOOK của Coach Duy Nguyễn nhé!