Thất bại là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của bất kỳ doanh nhân nào, và đó cũng chính là điều bất kỳ ai cũng muốn tránh, chứ không muốn gặp phải.
Bản thân tôi, một người đã làm kinh doanh rất nhiều năm, cũng không thể tránh khỏi những thất bại.
Và đối với một doanh nhân mới khởi nghiệp, thì chẳng ai muốn đối mặt với thất bại ngay từ khi vừa đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình kinh doanh của mình.
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ một doanh nghiệp mới khỏi những thất bại không đáng có là biết chính xác điều gì có thể gây ra rủi ro, và bảo vệ doanh nghiệp của bạn trước những điều đó. Với những kinh nghiệm của mình, tôi đã rút ra được 5 lý do rất dễ dàng khiến cho bất kỳ ai thất bại ngay từ khi khởi nghiệp.
Bạn chờ quá lâu để ra mắt doanh nghiệp của mình
Việc ra mắt doanh nghiệp nên được đặt lên hàng đầu trong tâm trí của mỗi doanh nhân từ lúc bạn nảy ra ý tưởng kinh doanh.
Đôi khi, việc bạn muốn hoàn thiện sản phẩm hoặc dịch vụ của mình đến mức hoàn hảo trước khi ra mắt lại đang cản đường bạn và khiến việc kinh doanh khó khăn hơn.
Rất nhiều doanh nghiệp đã ra mắt thất bại bởi người sáng lập luôn cố thay đổi những tính năng của sản phẩm hay dịch vụ, và lùi thời gian khởi nghiệp chính thức.
Có rất nhiều lý do đằng sau việc những công ty khởi nghiệp thành công lại thay đổi dần dần theo thời gian, chứ không giữ nguyên bản ý tưởng ban đầu của họ.
Bằng cách cho ra mắt và bán những sản phẩm cơ bản và cốt lõi trước, bạn không chỉ thu được lợi nhuận sớm hơn, mà còn có thời gian tiếp nhận và phân tích những phản hồi của khách hàng, và xem xét những thay đổi và bổ sung cần thiết.
Biết đâu những tính năng bạn muốn thay đổi lúc đầu, lại không thực sự cần thiết với khách hàng. Và phản hồi giúp bạn nhanh chóng nhận ra điều đó.
Đối với những doanh nghiệp phải vay vốn để khởi động thì việc trì hoãn bắt đầu lại càng nguy hiểm hơn, bạn sẽ càng lún sâu vào nợ nần và tăng khả năng thất bại. Thay vào đó, hãy cho ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ của mình càng sớm càng tốt, và phát triển lên từ đó.
Bạn quá cẩn trọng
Rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong việc kinh doanh. Và việc thận trọng quá mức đã giết chết nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng và triển vọng.
Nếu bạn đã xác định kinh doanh, sẽ không có con đường nào để bạn né tránh hoàn toàn những rủi ro cả, và bạn phải chấp nhận điều đó.
Rủi ro về mặt tài chính là một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất đối với mỗi doanh nhân.
Việc không có đủ nguồn vốn khi xây dựng doanh nghiệp mới dẫn đến sự bất an và cẩn trọng quá mức từ phía những doanh nhân.
Đây là một tâm lý thông thường và dễ hiểu. Bởi nếu bạn không có quá nhiều tiền, bạn sợ hãi phải đánh đổi những gì bạn có, và lo lắng sẽ đánh mất tất cả.
Nhưng việc cẩn trọng quá mức đã gây ra thất bại cho rất nhiều những doanh nhân khởi nghiệp.
Có một điều tôi muốn nhắc lại, kinh doanh gắn liền với rủi ro.
Nếu bạn cứ mãi ngồi trong khu vực an toàn mà không dám đối mặt với rủi ro thì không nên trở thành một doanh nhân và khởi nghiệp.
Tất cả những doanh nhân thành công nhất không ai chỉ buôn bán ở mức an toàn vừa đủ, mà họ dám đánh cược những gì mình có để hiện thực hoá tầm nhìn của mình, ngay cả khi thành công chưa được đảm bảo.
Cố chấp giữ với những điều mới lạ độc đáo
Việc bạn khởi nghiệp với một ý tưởng độc đáo do chính bạn nghĩ ra, cũng giống như đang đứng trên vai người khổng lồ vậy, rất cao nhưng cũng rất chênh vênh, và có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Rất khó để tạo ra một ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới lạ và độc đáo, và thường thì điều đó cũng không cần thiết.
Độc đáo không chỉ là một yếu tố không cần thiết cho một ý tưởng khởi nghiệp, mà nó thậm chí còn gây ra nhiều khó khăn và trở ngại để bạn tiếp cận với đối tượng khách hàng của mình, bởi không phải ai cũng háo hức và sẵn sàng thử một sản phẩm hay một dịch vụ hoàn toàn mới chưa từng có trên thị trường, và khả năng khách hàng sẽ yêu thích nó cũng không đảm bảo.
Ý tưởng kinh doanh mới và độc đáo thực sự rất khó để xử lý với thị trường đại chúng. Nếu là một ý tưởng cải thiện từ những điều sẵn có thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Thay vì nghĩ về một thị trường mới và xa lạ, hãy nghĩ làm cách nào để thị trường hiện tại có thể giúp bạn thu về lợi nhuận.
Việc cải thiện những sản phẩm hay dịch vụ có sẵn khả thi và dễ dàng hơn, và với những chiêu thức bán hàng thu hút hơn, dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo hơn hoặc sản phẩm hoàn thiện hơn, bạn đã dễ dàng chiến thắng những đối thủ trên thị trường.
Kinh doanh hoàn toàn độc lập
Việc thành lập một công ty chỉ với sức lực của chính mình là điều khó ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Đối với rất nhiều doanh nhân trẻ, thì một trong những việc khó nhất chính là chia sẻ quyền kiểm soát của mình bớt cho người khác, và nhận ra rằng họ không thể làm tất cả mọi việc một mình.
Hợp tác kinh doanh với những đối tác khác là điều rất có lợi cho bạn khi khởi nghiệp, điều quan trọng mà việc hợp tác mang lại, chính là giúp cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn hoàn thiện hơn khi bạn làm một mình.
Nếu lựa chọn đối tác một cách kỹ lưỡng, thì họ còn có thể giúp bạn củng cố vị trí cho doanh nghiệp mới của mình trong lĩnh vực bạn lựa chọn, và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển hơn.
Một trong những yếu tố khiến cho một doanh nghiệp mới sụp đổ, chính là vì người sáng lập phải ôm đồm một lúc quá nhiều việc.
Và một trong những cách để khởi đầu và doanh nghiệp tốt hơn, chính là lựa chọn và hợp tác với những đối tác phù hợp.
Không cập nhật thông tin đầy đủ và kịp thời
Một trong những lời khuyên tốt nhất mà tôi từng nhận được cho việc kinh doanh của mình, là phải luôn cập nhật và nắm bắt thông tin đầy đủ và kịp thời, dù là thông tin về thị trường hay là về chính doanh nghiệp của bạn.
Bởi bạn là người đưa ra những sách lược để công ty của mình có thể tồn tại trong thị trường bạn mong muốn, nên những thông tin này bạn bắt buộc phải cập nhật đầy đủ và rõ ràng.
Không có cách nào giúp bạn đưa ra những kế hoạch kinh doanh tốt hơn ngoài việc thu thập những dữ liệu chính xác.
Việc theo dõi và phân tích sớm những chỉ số hoạt động của công ty là vô cùng quan trọng, bởi chỉ có những dữ liệu đó mới cung cấp cái nhìn toàn cảnh và chính xác nhất về điều gì có hiệu quả, điều gì không và từ đó tìm ra cách cải thiện, để duy trì nền tảng cho một doanh nghiệp thành công.
Khi người đứng đầu không nắm bắt được đầy đủ thông tin và dữ liệu chính xác, rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại bởi họ không thể cải thiện cách hoạt động của mình.
Rủi ro là điều không thể tránh khỏi đối với những doanh nhân mới vào nghề, muốn xây dựng con đường kinh doanh cho riêng mình, vậy nên, việc tránh khỏi hoàn toàn những thất bại hoặc sai lầm là gần như không thể.
Nhưng điều đó không có nghĩa, là bạn không cần cẩn trọng trước những bước đi của chính mình để giảm thiểu xác suất rủi ro một cách tối đa. tư duy kinh doanh yêu cầu bạn phải đặt niềm tin vào mọi khía cạnh của bản thân mình, rằng bạn sẽ thành công nếu nỗ lực không ngừng nghỉ.
Bằng việc hiểu rõ và phòng tránh những sai lầm nói trên, bạn có thể phần nào tự tin, rằng bạn đã nỗ lực bằng mọi giá để tránh thất bại, và đảm bảo thành công cho doanh nghiệp của mình.