Duy tin chắc rằng rất nhiều bạn cũng đã thay đổi cách làm việc của mình như vậy. Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây, đó là nhiều người nghĩ rằng video thì không cần phải quá trịnh trọng như là gặp gỡ trực tiếp và coi nhẹ nhiều vấn đề tưởng chừng như là nhỏ nhưng rất quan trọng trong bán hàng. Hôm nay Duy sẽ chia sẻ với bạn 8 lỗi thường mắc phải khi bán hàng qua video.
Lỗi đầu tiên, không dùng video khi gọi cho khách hàng
Chúng ta đang nói về các lỗi trong lúc giao tiếp bằng video. Nhưng cái điều đầu tiên mà tôi nhận thấy là hiện nay rất nhiều bạn chưa làm được đó là ngại gọi video cho khách hàng. Bạn thà rằng nhấc điện thoại lên gọi trực tiếp cho khách để giấu mặt không phải lộ diện, và nếu như tình huống xấu xảy ra thì không ai biết mình là ai.
Tuy nhiên giao tiếp bằng video có hiệu quả tương tự như là gặp mặt trực tiếp mặt đối mặt với khách hàng, bởi vì khi bạn bán hàng qua video thì bạn sẽ xây dựng được một ấn tượng tốt một mối quan hệ tốt hơn với khách hàng để tăng cái sự tin tưởng và nâng cao khả năng chốt sales của bạn.
Có nhiều bạn sẽ hỏi: Khách hàng họ không thích gọi video call thì sao?
Họ không muốn mình thấy mặt họ, cũng đâu có sao đâu ạ. Bạn cứ bật video của mình lên để cho khách hàng nhìn thấy bạn, cho họ thấy rằng bạn tự tin, không có gì phải che giấu cả, và trong những lần tiếp theo đó, họ sẽ quen với việc họ phải làm theo cách của bạn đó là chia sẻ video của mình.
Lỗi thứ hai, không chú trọng tới chất lượng của video
Bạn không có background là cái phông nền đằng sau mình trông cho phù hợp, âm thanh xung quanh thì quá ồn ào và ánh sáng thì thiếu, nhìn bạn không rõ ràng. Bạn hãy nhớ rằng: “Bất kể trường hợp giao tiếp nào, kể cả gặp gỡ trực tiếp hay là qua điện thoại hay video thì khách hàng đều có đánh giá ngay lập tức về bạn, hay còn gọi là ấn tượng đầu tiên.”
Vì bạn gọi video call cho khách hàng mà bạn lại đang ở trong quán cà phê ồn ào bên cạnh thì có tiếng mèo kêu hay bạn ở chỗ tối không đủ ánh sáng để thấy mặt của bạn, đằng sau bạn lại là một khung cảnh lộn xộn bừa bãi… thì đó sẽ tạo ra ấn tượng đầu tiên rất xấu cho khách hàng về người bán hàng. Điều đầu tiên họ sẽ nghĩ đó là bạn không coi trọng các cuộc trao đổi này với khách hàng và thậm chí là bạn không tôn trọng họ. Họ sẽ đánh giá bạn là một người bán hàng không chỉn chu, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Như vậy thì đồng nghĩa với việc những gì bạn đang chào bán – chốt sales cho họ là sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn cũng có cái chất lượng kém tương tự.
Lỗi thứ ba, nói quá nhiều trong lúc bán hàng
Việc nói nhiều này có hai trường hợp:
Thứ nhất, bạn sợ khách hàng từ chối, sợ khách hàng phát hiện ra cái điểm yếu gì đó trong sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Cho nên bạn cố gắng nói thật nhiều, lấp đi các khoảng trống và hy vọng rằng khách hàng sẽ không có thời gian suy nghĩ để bạn có thể chốt sales. Đó là lý do vì sao mà những người bán hàng như chúng ta bị mang tiếng là dồn ép khách phải mua hàng.
Thứ hai, bạn quá hào hứng với những gì mình đang bán. Bạn muốn chia sẻ hết những gì hay ho nhất của khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn để cho họ biết, nhưng có điều khi bạn nói quá nhiều thì bạn sẽ không đặt ra câu hỏi và không lắng nghe. Như vậy thì bạn sẽ không biết được những vấn đề mà khách hàng đang phải đối mặt thực tế là gì. Và có thể là bạn đang thao thao bất tuyệt về những tính năng mà họ không thực sự là quan tâm.
Lỗi thứ tư, không chuẩn bị sẵn sàng về mặt kỹ thuật
Đây là vấn đề thường gặp phải khi bạn gặp gỡ khách hàng qua phần mềm zoom hoặc nói chuyện với nhiều người cùng một lúc, những phần mềm này thì yêu cầu có sự điều chỉnh và chuẩn bị kĩ hơn về mặt âm thanh, hình ảnh và ánh sáng trước khi gọi cho khách hàng. Ngay cả việc mời khách hàng vào phòng học online mà không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng khiến cho khách hàng cảm thấy khó chịu. Bởi vì đâu phải ai cũng biết nhiều mặt kỹ thuật.
Nếu như bạn bán hàng Business to Business, bán các sản phẩm có giá trị cao thì khách hàng không hề thoải mái, nếu như họ phải chờ đợi bạn chỉnh sửa những vấn đề đó trong lúc cái cuộc họp đang diễn ra bởi vì họ chỉ có đúng khoảng ba mươi phút hay một tiếng như bạn đã đề nghị với họ.
Chính vì vậy, một thói quen của Duy đó là luôn kiểm tra trước tất cả các yêu cầu về kỹ thuật trước khi bấm vào nút gọi, chạy thử video, kiểm tra mic xem có nghe thấy tiếng của mình nó hay không và Duy có một danh sách những trước cái máy tính của mình để đảm bảo rằng tôi không bỏ quên bất cứ điều gì.
Trước khi gọi điện thoại cho khách hàng, đừng chủ quan, đừng có tin vào cái bộ nhớ, vốn bản chất là không muốn hoạt động nhiều của chúng ta
Lỗi thứ năm, ngồi yên, không nhúc nhích, không cử động trong quá trình gọi video cho khách
Đây là điều mà Duy thấy rất nhiều và mọi người có vẻ như cho đó là một điều rất là bình thường, tất cả mọi người ngồi yên một chỗ, không nhúc nhích trên ghế của mình, nhìn thẳng vào màn hình bất động.
Hãy thay đổi cái điều đó, gọi video call thì cũng giống như là ngồi ở hai đầu bàn trong một phòng họp vậy, đừng làm cho khách hàng của bạn buồn ngủ. Hãy dùng ngôn ngữ hình thể thay đổi tông giọng của bạn, cười nhiều hơn, tạo ra cái cảm giác thoải mái cho khách hàng. Nếu không thì họ sẽ mắt nhìn vào màn hình nhưng mà tâm trí của khách hàng có lẽ là đang lang thang ở một nơi rất đẹp nào đó.
Lỗi thứ sáu, coi nhẹ vấn đề hình thức của bạn khi bán hàng qua video
Nhiều người nghĩ rằng làm việc ở nhà gọi điện qua video từ xa nghĩa là có thể bỏ qua tất cả các tiêu chuẩn về hình thức. Nếu như bạn gặp khách hàng bất kể là ngoài đường hay là qua video bạn đều phải như nhau. Nếu trời như không quá nóng thì hãy đeo cà vạt, mặc áo khoác, còn nếu như trời nóng thì bạn mặc áo sơ mi, lịch sự sao cho phù hợp với thời tiết của mình. Nhưng đó phải là trang phục bạn mặc khi bạn gặp trực tiếp khách hàng, phù hợp với công việc của bạn.
Bạn đừng coi nhẹ cái vấn đề ăn mặc và hình thức của mình. Trong bán hàng nếu bạn càng lịch sự bao nhiêu thì nó càng thể hiện rằng bạn đang tôn trọng người đối diện bấy nhiêu. Thà rằng bạn mặc lịch sự hơn một chút chứ đừng để mình mặc xuề xòa hơn khách hàng.
Hãy thử tưởng tượng mà xem, bạn bật video lên, khách hàng ngồi sẵn ở đó, ăn mặc rất lịch sự, áo vest, cà vạt. Họ trông chờ để được nói chuyện với bạn, trong khi đó họ lại thấy bạn mặc áo phông, đầu tóc thì bù xù, xung quanh thì hỗn độn lộn xộn. Nếu là Duy thì trừ khi cái người bán hàng đó, có cái thứ gì đó mà không thể có được ở một nơi khác, nếu không thì Duy sẽ nhanh chóng cáo từ và không liên lạc lại nữa.
Lỗi thứ bảy, bị phân tâm vào những thứ khác trong quá trình bán hàng qua video
Khi bạn gọi điện thoại video cho khách hàng thì họ sẽ tập trung chú ý vào bạn nhiều hơn là khi học trực tiếp. Bởi vì khi chúng ta gặp gỡ khách hàng ở bên ngoài thì có nhiều thứ ở cái môi trường xung quanh, cho phép bạn thoải mái hơn một chút vì khách hàng sẽ có nhiều thứ khác để họ mất sự tập trung vào bạn.
Thế nhưng khi gọi video thì chỉ có bạn chiếm hai phần ba màn hình mà khách hàng không có việc gì khác ngoài việc nhìn thẳng vào bạn bởi vì họ cũng không muốn bạn thấy rằng họ đang để ý đi chỗ khác. Nếu như xung quanh của bạn có những thứ gây ra sự mất tập trung như là: Tin nhắn điện thoại, tin nhắn chat trên Facebook, Email mới gửi tới… thì khách hàng sẽ ngay lập tức nhận ra và họ chắc chắn là sẽ không cảm thấy thoải mái.
Lỗi thứ tám, không sử dụng các kỹ năng bán hàng.
Đây là một vấn đề khác mà Duy đã nhận ra khi trao đổi với nhiều bạn qua video. Các bạn nghĩ rằng mình đang ở trong một môi trường khác không giống như là bán hàng ở bên ngoài, nên bỏ quên hết tất cả những kỹ năng như là: đặt ra câu hỏi, lắng nghe, tìm hiểu về điểm đau, điểm khó khăn của khách hàng…. Hãy nhớ rằng: “Kỹ năng bán hàng không chỉ có chốt sales”
Nếu bạn để ý thì Duy rất ít khi nói về việc chốt sales. Đó là bởi vì quan điểm của Duy, bạn học tốt các kĩ năng khác trước để tạo ra các trải nghiệm khách hàng tốt nhất thì khả năng khách hàng cũng tự chốt sales rồi. Lúc đó thì cái công việc chốt sales của bạn chỉ đơn giản là khi nào thì anh chị muốn bắt đầu.
—-
Hãy xem thêm các bài viết khác về Kỹ năng bán hàng và Marketing TẠI ĐÂY
Bạn có thể theo dõi các Video về các nội dung này tại YOUTUBE và FACEBOOK của Coach Duy Nguyễn nhé!